Những sát thủ tuổi teen

7/8/09

"Giang hồ thứ thiệt qua địa bàn khác còn tìm hiểu xem ai phụ trách để "ra oai" còn những đứa trẻ này gặp là bụp, là phang… không biết sợ ai" - Trung tá Trịnh Văn Sâm - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Côngan quận 9, TP HCM nói về sự manh động của tội phạm tuổi teen
.


Nguyên nhân bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết pháp luật và cách ứng xử của một bộ phận trong giới trẻ. Ở trường trẻ được dạy và học những hành vi nào vi phạm pháp luật, pháp luật không cho phép nhưng không biết hành vi đó nguy hiểm đến đâu, xử phạt bao nhiêu năm tù…


Kiều Lê Tuấn Anh (17 tuổi) phạm tội giết người, cướp tài sản khi mới 16 tuổi. Xử sơ thẩm vào tháng 3/2009, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo này mức án 18 năm tù.

Nhiều đối tượng phạm tội giết người rất dã man, cùng một lúc giết chết 2 người nhưng tại cơ quan điều tra thì rất bình thản vô tư vì cứ tưởng hành vi mình chỉ bị xử lý 4, 5 năm tù. Đến khi nghe cán bộ điều tra giải thích thì chúng mới sửng sốt, hối hận thì đã muộn…

Ngoài ra, một bộ phận thanh, thiếu niên mới lớn luôn tìm cách lấy "số má" với bạn bè bằng cách đánh nhau, giết nhau như trong phim mà không nghĩ đến hậu quả.

Chém, giết không ngán tay

Tại một phiên xử ở TAND TP HCM cuối tháng 7/2009 vừa qua, không ai có thể hình dung thiếu niên nhỏ nhắn đứng trước vành móng ngựa lại phạm tội cực kỳ nghiêm trọng như vậy. Bị cáo có tên Phạm Văn Long (ngụ quận 4, TP HCM) bị truy tố và xét xử về tội giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ theo điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Vào thời điểm gây án bị cáo chỉ mới hơn 15 tuổi và ngày ra tòa, mới bước qua tuổi 16.

Nội dung vụ án thể hiện, ngày 14/9/2008, Long cùng nhóm bạn gồm Vương Ngọc Vinh, Phạm Trường Nam, Phan Văn Huy, Nguyễn Diệp An và Tư Gà, Nhóc (chưa xác định lai lịch) đến Công viên Tao Đàn chơi Tết Trung thu. Khi đi, Long mang theo dao nhọn giấu trong người. Khi đến Công viên Tao Đàn, cả bọn đến sân trượt cát chơi.

Tại đây, nhóm Long gặp nhóm học sinh của Phạm Văn Phúc, Lâm Đức Dũ cùng một số người bạn khác đang cùng chơi. Trong lúc trượt cát, Dũ trượt trúng vào chân Vinh liền bị tên này nhặt cục đá đánh vào đầu. Thấy vậy nên Phúc chạy đến can ngăn thì bị Vinh đá vào người. Liền ngay đó, cả nhóm Long xông vào đánh Phúc. Bị đánh hội đồng, Phúc bỏ chạy nhưng Long vẫn không buông tha mà rút dao chạy ra đâm 4 nhát vào người nạn nhân.

Nhìn thấy bạn bị đâm, bạn Phúc chạy tới định cứu thì ngay tức thì cũng bị Long đâm một nhát gây tử vong. Ngoài Long, liên quan trong vụ án, bạn của Long là Vương Văn Vinh cũng bị truy tố về hành vi gây rối nhưng do chưa đủ 14 tuổi nên đối tượng này chỉ bị chính quyền địa phương áp dụng biện pháp giáo dục tại chỗ.

Trong một phiên tòa khác trước đó một ngày, Nguyễn Thành Đạt (16 tuổi, ngụ quận 12) cũng bị TAND TP HCM đưa ra xét xử. Theo cáo trạng, khoảng 21h30' ngày 19/4/2008, Đạt cùng các đối tượng Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Phát, Võ Thanh Hiếu và Phan Hoàng Thuận tổ chức nhậu ở khu đất trống thuộc khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12.

Sau cuộc nhậu, Đạt chở Phát bằng xe đạp đi chơi lòng vòng trong khu vực gò mả thì gặp anh Phạm Đức Toàn, Hồ Minh Vương cùng hai người bạn gái đang đi bộ trên đường. Phát buông lời chọc ghẹo nên bị phía anh Toàn, anh Vương phản ứng lại. Đạt, Phát bỏ đi nhưng sau đó lại rủ Minh và Hiếu đi đánh nhóm anh Toàn. Thấy cả bọn cầm cây, hai người bạn gái anh Toàn bỏ chạy, riêng anh Toàn đứng lại chống cự một lúc nhưng do bị cả bọn đánh hội đồng nên gục tại chỗ. Đạt và đồng bọn chỉ dừng tay khi thấy có người đi xe đến phát hiện tri hô.

Dù thoát chết nhưng giờ đây anh Toàn đã trở thành người ngơ nghễnh vì vết thương sọ não gây sa sút trí tuệ nặng dẫn đến di chứng liệt tứ chi với thương tật 96% vĩnh viễn. Vụ án chỉ một mình Đạt bị khởi tố vì các đối tượng đồng phạm gồm Nguyễn Văn Minh (14 tuổi), Nguyễn Văn Phát (15 tuổi), Võ Thanh Hiếu (15 tuổi) chưa đủ 14 tuổi nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Phía sau là nỗi đau!

Hầu hết những đứa trẻ phạm tội ở lứa tuổi này đều có hoàn cảnh gia đình "na ná" nhau: nghèo khó, thất học, thiếu sự quản lý của gia đình… Vì vậy, ra tòa cha mẹ nào cũng lấy lý do nhà nghèo nên không có thời gian bên con, quản lý con… Đã thế, họ còn không nhìn nhận ra sai lầm của con trẻ mà còn đổ thừa cho hoàn cảnh.

Tại phiên tòa xét xử Phạm Văn Long, bao biện cho hành vi hết sức côn đồ của đứa cháu mà mình cũng có phần trách nhiệm, giờ nghị án, dì ruột của Long nói như phân trần: "Cha mẹ nó ly dị từ khi nó còn nhỏ, nhà nghèo học đến lớp 3 nên nó bỏ học. Mẹ nó đi làm thuê làm mướn "đầu tắt mặt tối" nên không còn thời gian quan tâm chăm sóc nó… Chỉ vì bị bạn xấu rủ rê chơi bời lêu lổng mà giờ đây nó lãnh hậu quả…".

Không chỉ dửng dưng với hành vi của con trẻ, những người đại diện cho bị cáo còn dửng dưng với cả nỗi đau của gia đình bị hại. Mẹ của bị cáo Phạm Văn Long vừa nghe gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường 36 triệu đồng tiền chi phí mai táng đã vội hỏi tòa: có thể trả góp được không?

Theo một thẩm phán tòa hình sự - TAND TP HCM: Pháp luật xét xử người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và sớm trở thành công dân có ích cho xã hội…

Tuy nhiên, điều mà những người làm luật trăn trở là sau lần vấp ngã những đứa trẻ này có thể đứng lên làm lại cuộc đời hay chỉ một thời gian ngắn là lại tái phạm với mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm hơn do một phần từ thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của gia đình chúng với con em của mình





Tags: , , , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn