Khách hàng phản đối với đề xuất sim di động lên 11 số của nhà mạng

18/3/10
“Xin nói thẳng là tôi không thích và không đồng ý để số sim của tôi bị chuyển thành 11 số”, ca sỹ Nguyên Vũ tâm sự với chúng tôi.

Trước việc kho số di động tại Việt Nam lại sắp “cháy” mặc dù có đến 7 nhà cung cấp dịch vụ di động với hơn 20 đầu số khác nhau, việc một số đơn vị tính đến phương án đề xuất lên cơ quan quản lý cho phép nâng số di động từ 10 số đối với các sim 09x lên thành 11 số đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ phía người sử dụng.

Là người sử dụng cặp số 095.555xxxx và 095.555yyyy trị giá 220 triệu đồng sở hữu từ một cuộc đấu giá từ thiện, ca sỹ Nguyên Vũ tỏ ý không đồng tình với đề xuất mà anh cho là “sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng”.

“Tôi đã sử dụng số này từ bao năm nay, mỗi tháng tốn đến vài triệu đồng tiền thuê bao cho mỗi số. Tôi có rất nhiều người quen hoặc các đối tác làm ăn hiện ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài, việc thay đổi số điện thoại sẽ gây ra rất nhiều điều bất tiện vì tôi khó có thể thông báo hết cho họ về sự thay đổi số điện thoại”, Nguyên Vũ bày tỏ. “Theo tôi, nhà mạng chỉ nên xin cấp đầu số mới, chứ không nên gây khó khăn cho khách hàng bằng việc tăng sim lên 11 số. Hậu quả của việc cháy số là do nhà cung cấp không quan tâm đến những thuê bao trả sau mà chỉ chăm chăm phát triển sim rác. Nếu sim tăng lên 11 số tôi sẽ trả lại số vì số của tôi là sim cam kết”.

Hầu hết những người sử dụng sim 10 số đều là các khách hàng
trung thành của nhà mạng. Ảnh minh họa: Nguyễn Hà.

Sim cam kết là những sim có số đẹp như tứ quý, ngũ quý, số theo kiểu taxi… mà người sử dụng phải trả nhiều tiền cho nhà mạng để có. Hơn nữa, hàng tháng họ cũng phải đóng phí cam kết rất cao (có thể lên đến 2 triệu đồng), bất kể có đang sử dụng hay không. Điều đáng nói nằm ở chỗ số lượng những người, doanh nghiệp, công ty dùng sim cam kết không hề nhỏ và đa phần trong số họ đều là những người có nhiều mối quan hệ quan trọng.

“Việc thay đổi số điện thoại chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho công ty của tôi”, anh Dương Châu Phi, chủ nhân của số điện thoại 09xx.868686, nói. “Khó có thể đảm bảo mọi khách hàng của công ty đều biết số điện thoại đã thay đổi như thế nào. Chưa kể có người sẽ nghĩ công ty không còn hoạt động. Việc báo lại số điện thoại, chi phí làm lại danh thiếp, bảng hiệu, giấy tờ liên quan… chắc chắn sẽ tốn kém không chỉ về tiền mà cả công sức và thời gian nữa”.

Trên các cộng đồng mạng ở Việt Nam, không ít người tỏ ra thắc mắc trước những nghịch lý đang tồn tại trong việc quản lý số điện thoại của các nhà mạng. Kho số hiện có của 7 nhà mạng hiện hành lên đến hơn 200 triệu, trong khi dân số Việt Nam hiện khoảng hơn 80 triệu. Nghĩa là trung bình mỗi người Việt Nam sở hữu 2-3 số di động (thực tế hầu hết sim điện thoại chỉ được đưa đến tay những người đang ở độ tuổi lao động và tập trung ở các khu vực thành thị, còn có đến hàng chục triệu người là trẻ em, người cao tuổi, người dân nông thôn chẳng bao giờ biết đến mặt mũi chiếc điện thoại chứ chưa nói đến chuyện sở hữu sim số). Ấy thế mà, kho số đã được thông báo là “sắp hết”.

Đã tung ra "sim rác", nhà mạng nào sẽ đi dọn "rác"? Ảnh minh họa: Nguyễn Hà.

“Thật chẳng thể hiểu nổi chuyện một đằng thì lo hết kho số, một đằng thì các nhà mạng vẫn đua nhau khuyến mãi để đốt kho số cho mau hết, tung ra những chiến dịch bán sim khuyến mãi, mua sim 50.000 đồng tặng tài khoản 160.000 đồng, gấp 3-4 lần tiền nạp thẻ, như thế thì có ai dại gì mà đi mua thẻ cho sim số cũ. Rất nhiều bạn bè tôi có tâm lý ‘mua sim rác về xài hết tiền thì đem ra kênh Nhiêu Lộc vứt để mua sim khác’”, Trần Ngọc Thùy Dương, một bạn gái ở Sài Gòn, tỏ ý bức xúc.

Trên thực tế, hầu hết những người sử dụng thuê bao 10 số đều là các khách hàng trung thành của các nhà mạng và đã gắn bó rất lâu với số điện thoại của mình. Ngay cả trong các cuộc đấu giá từ thiện, nhưng sim số được đem ra đấu cũng đều là các sim 10 số chứ không phải là dòng sim 11 số (vốn đều bị xếp chung vào cái tên “sim rác”). Cụ thể với trường hợp của Viettel, rất nhiều khách hàng của nhà mạng này phải trả phí cam kết từ 200.000 đến 2 triệu đồng mỗi tháng để giữ số. Việc này được ghi rõ trên hợp đồng sử dụng. Nếu Viettel đề xuất tăng sim lên 11 số và được chấp thuận, số thuê bao không còn đẹp nữa, thì phải chăng chính Viettel đã phá bỏ cam kết với khách hàng?

Kho đầu số của 7 nhà mạng tại Việt Nam

VinaPhone có 091, 094, 0123, 0125, 0127 và đang đề nghị cấp thêm đầu số 0129.

MobiFone với các đầu số 090, 093, 0121, 0122, 0126, 0128 và đang đề xuất xin thêm đầu số 0120.

Viettel sở hữu 098, 097, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169, đang đề xuất xin thêm mã số 0164.

S-Fone có 095, EVN Telecom - 096, Vietnamobile - 092 và Beeline với 0199.

Thống kê trên chưa tính tới khả năng gia nhập thị trường dịch vụ mạng di động của 3 đơn vị mới là Indochina Telecom (mới được cấp phép) và FPT, VTC (đang chờ duyệt).

Theo Zing.vn
Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn