Tục bó chân và nỗi đau của người phụ nữ Trung Quốc

28/3/10
Một trong những nét văn hóa độc đáo tiêu biểu của người Trung Quốc là tục bó chân. Nhưng đằng sau những chiếc giày bé tí xíu bằng lụa với nhiều màu sắc rực rỡ ấy lại ẩn chứa nỗi đau thể xác vô cùng lớn.



Cụ Zhou Guizhen. Ảnh:AP
Chúng ta hãy cùng nghe một cụ bà 86 tuổi kể về năm tháng ấu thơ của mình.

Cụ Zhou Guizhen, 86 tuổi sinh sống tại một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Vân Nam là một trong số những người phụ nữ bó chân của Trung Quốc hiếm hoi vẫn còn sống cho tới ngày nay.

Cụ Zhou cởi giày, khoe bàn chân bị bẻ xương “dị dạng”, dài chưa đầy 13 cm của mình và cho biết, có tới 4 ngón chân đã bị hư hỏng nặng và bẻ quặt xuống dưới.

Suốt cả cuộc đời chân cụ vẫn phải quấn lụa, bước đi ẻo lả, tập tễnh trên đôi “gót sen” bé tí xíu như chân búp bê.

Xuất xứ của tục bó chân


Nàng Triệu Phi Yến và truyền thuyết "Kim liên tam thốn" (Gót sen ba tấc).

Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân. Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về một cung phi của vua Hán Thành Đế tên là Triệu Phi Yến.

Nàng đã quấn những dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Hán Thành Đế vì rất ấn tượng với dáng điệu của Triệu Phi Yến khi nhảy múa trên đôi chân bó gọn nên gọi nó là "Kim liên tam thốn" (Gót sen ba tấc) và ra lệnh cho những cung phi khác cũng bắt chước theo.

Tục bó chân vẫn tồn tại ở Trung quốc cho đến tận thế kỉ 20. Mãi đến năm 1911 thì tập tục này mới được bãi bỏ hoàn toàn và được đông đảo dân chúng tách ra khỏi giá trị thẩm mỹ và đạo đức.

90% bé gái Trung Hoa ngày xưa, khoảng 5 hay 6 tuổi, đều phải đau khổ vì tục bó chân này. Sự tăng trưởng của đôi bàn chân đã phải ngưng lại để cho kích thước của chúng không vượt quá kích thước lý tưởng 7,5cm: đó là đôi gót sen vàng!

Các bà mẹ phải tiến hành tục bó chân cho con gái họ vì lo lắng cho tương lai của con họ. Ở Trung Hoa thời xưa, phụ nữ phải phục tùng uy quyền của người cha, sau đó đến người chồng và nếu chồng qua đời sớm phải nghe theo người con trai. Cho nên cô gái Trung Hoa sẽ hạnh phúc nếu tìm được người chồng tốt.


Bó chân làm cho cấu trúc xương bị dị dạng và 4 ngón chân bị bẻ quặt, hư hỏng nặng. Ảnh: China FPA


Đôi bàn chân nhỏ đồng nghĩa với “đức hạnh” ?

Hãy nghe lời kể của một nhà truyền giáo phương Tây vào thế kỷ 19: "Cô gái có đôi bàn chân bé khoảng 7cm, thậm chí thật gớm ghiếc, sẽ có nhiều cơ may lấy chồng hơn một thiếu nữ có đôi bàn chân bình thường". Người phụ nữ có "gót sen vàng" được đánh giá là thượng lưu, có thể đạt tới một địa vị xã hội cao quý.

Còn hơn cả mọi phần khác trên thân thể phụ nữ, cảm hứng tình dục của người Trung Hoa cổ xưa dành phần ưu ái cho đôi bàn chân, hay nói đúng hơn là bề ngoài của chúng.



Thế nhưng yêu bàn chân trần của một phụ nữ bị coi là một sự đồi bại. Cách đây 700 năm, triết gia Fang Xun đã nhắc nhở những người chồng: “Nếu anh cởi bỏ đôi giày và dải băng bó chân ra, cảm xúc thẩm mỹ sẽ bị phá đổ mãi mãi.


Cụ Zhou cởi giày, khoe bàn chân bị bẻ xương “dị dạng”, dài chưa đầy 13 cm của mình và cho biết, có tới 4 ngón chân đã bị hư hỏng nặng và bẻ quặt xuống dưới. Ảnh: AP


Việc bó chân được xem là một giải pháp để kiểm sóat và củng cố đức hạnh của nữ giới. Nhà xã hội học Yang Yang của Trung Quốc mới đây đã thực hiện một cuộc nghiên cứu trên 300 cụ bà cao tuổi sinh sống tại Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông.

Đa số các chứng nhân lịch sử này đều cho biết, người xưa tin rằng những người đàn bà với đôi bàn chân bé tí xíu sẽ không thể rời khỏi nhà dễ dàng, từ đó không thể có cơ hội quan hệ tình dục với người nào khác ngoài chồng mình.

Hiện nay số người phụ nữ có “gót sen vàng” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các cụ bà đã thọ 85-90 tuổi. Khi thế hệ này ra đi cũng là lúc tập tục bó chân cũng như các chứng nhân lịch sử sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng.

Theo Vietbao

Nguồn: http://forum.vietyo.com/topic/tuc-bo-chan-va-noi-dau-cua-phu-nu-trung-quoc-48649/p2.html
Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn