Khổ luyện mừng Đại lễ

29/9/10
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong dịp thiêng liêng này, người dân sẽ được tận thấy một cuộc diễu binh hoành tráng, vô tiền khoáng hậu. Để có những thời khắc trình diễn đội hình hùng hậu ấy, những đơn vị tham gia đã phải dày công khổ luyện…

Theo kịch bản, buổi lễ diễu binh trên Quảng trường Ba Đình sẽ có 10 chiếc trực thăng, mang cờ Tổ quốc, cờ Đảng và logo của Đại lễ bay qua bầu trời, mở màn cho buổi diễu binh.

Bay diễn tập mang cờ trên độ cao 200m

Công phu chuẩn bị

Do quá sốt ruột vì trời mưa, tôi cứ hết đi ra đi vào, nhìn trời ngắm đất, vì không biết khi nào mình mới được leo lên chiếc trực thăng của Sư đoàn Không quân 916 để bay tập phục vụ Đại lễ.

Đã hai ngày trôi qua, hôm nào cũng bị dựng dậy vào lúc tờ mờ sáng nhưng sau cùng, chuyến bay lại bị hoãn. Mây khu vực sân bay Hoà Lạc vẫn một màu xám đặc. Đến sáng ngày thứ ba, tiếng kẻng báo động vừa đổ dồn, ngay lập tức các ngành phục vụ ban bay đã đồng loạt triển khai.

Cả trăm người ào ào vào cuộc. Thấy tôi thắc mắc vì sao có 12 chiếc máy bay mà nhiều người tham gia thế, Trung tá Khuất Duy Mộ - Chính trị viên của Sư đoàn giải thích rằng, để máy bay cất cánh trên trời cần rất nhiều lực lượng tham gia, từ khí tượng, kỹ thuật, thông tin dẫn đường, cơ giới trên không, đến cả hậu cần lo xăng dầu, khẩu phần ăn phụ cho phi công và kíp lái…

6 giờ, khu vực sân bay Hoà Lạc bị xé tung bởi tiếng gầm của 12 chiếc trực thăng. Những người lính thợ đang làm công tác kỹ thuật thông báo rằng, mọi công tác chuẩn bị đã xong, giờ chỉ còn nạp dầu và thông khí nữa là có thể đưa máy bay ra đường băng.

Sau khi đưa máy bay vào vị trí sẵn sàng xuất phát, 12 kíp phi công phải về nhà chỉ huy để nhận nhiệm vụ và giao bài bay. Tìm hiểu, tôi được biết, 10 chiếc máy bay này sẽ bay theo đội hình hai hàng dọc, mỗi chiếc bay cách nhau 150m, trên độ cao 200m.

Và, theo sau 10 trực thăng này là 2 chiếc khác bay dự phòng, nếu những chiếc bay chính gặp sự cố sẽ lập tức thay thế. Trước khi lên máy bay, Thượng tá Đàm Văn Toản - Chính uỷ Sư đoàn nói với tôi: "Đồng chí cần lưu ý lên xuống máy bay phải vuông góc với cánh cửa, tuyệt đối không được tiến lại phía sau đuôi bởi ở đó có cánh quạt, rất nguy hiểm".

Tôi được phân công ngồi trên chiếc máy bay mang số hiệu 7848 do phi công Nguyễn Thanh Hồng lái chính. Đây là chiếc bay sau cùng của đội hình. Ngồi trên con chuồn chuồn sắt này, tôi có thể quan sát được toàn bộ phi đội khi cất cánh.

Đoàn bay của những phi công cự phách

Để có được những chiếc trực thăng sẵn sàng xuất kích thì những người lính của Tiểu đoàn kỹ thuật, Sư đoàn Không quân 916 phải làm công tác chuẩn bị kỹ càng từ nhiều ngày trước. Mọi chi tiết từ động cơ, cánh quạt, đến tay lái hay mỗi công tắc điện đều được kiểm tra tỉ mỉ...

Sau khi thợ máy kiểm tra lần cuối, Cơ trưởng Nguyễn Thanh Hồng ký nhận sổ bay. Trong buồng lái kíp bay lúc này có một lái phụ, một lái chính và một nhân viên cơ giới trên không. Họ sẵn sàng đợi lệnh. Từ đài chỉ huy, lệnh xuất phát được ban ra, 12 chiếc máy bay đồng loạt bay lên theo phương thẳng đứng.

Ngồi cạnh cửa sổ tôi cảm nhận được một luồng khí động học khủng khiếp của động cơ 3.000 sức ngựa đang cuồn cuộn để bốc khối sắt nặng 11 tấn lên độ cao 200m. Cơ trưởng Nguyễn Thanh Hồng liên tục điều khiển hai chiếc cần lái ở phía trước và bên tay trái để lấy thăng bằng cho chiếc trực thăng bay đúng đội hình. Dưới thân máy bay, lá cờ Tổ quốc bay phần phật.

Anh Nguyễn Văn Thọ, người phụ trách cờ trong máy bay giới thiệu với tôi: "Đây là những lá cờ đặc biệt, được thiết kế bằng vải dù chống lại sức gió. Dưới lá cờ là một quả tạ sắt có trọng lượng 128kg, để kéo căng lá cờ đảm bảo trong quá trình bay dù có gió to cỡ nào lá cờ cũng không bị cuộn". Cũng theo anh Thọ, chỉ tính riêng việc treo chiếc cờ này 4 kíp thợ kỹ thuật đã phải bắt tay kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất. "Đeo theo một quả tạ nặng hàng trăm kg không tỉ mỉ là nguy hiểm lắm!" - anh Thọ cho biết.

Những phi công tham gia đội bay này cũng đều là những gương mặt cự phách, được tuyển chọn trong toàn quân. Lái chính đều là phi công cấp I đã đảm bảo bay an toàn từ 800 - 3.000 giờ. Họ đã từng bay thực hiện hàng chục nhiệm vụ khác nhau, từ báo bão cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy rừng đến đưa khách ra quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, để bay trong dịp Đại lễ thì suốt 3 tháng nay, họ vẫn miệt mài khổ luyện.

Sau ít phút, 12 chiếc máy bay đã lắp ráp đội hình hoàn thiện và lượn trên bầu trời Hoà Lạc đúng theo bài bay với tốc độ 150km/giờ.

Bài bay được luyện tập trong vòng 30 phút. Sau 2 lần lượn qua khán đài, những chiếc máy bay làm nhiệm vụ A10 được lệnh hạ cánh, kết thúc đợt bay an toàn.

Đón tôi từ độ cao 200m trở lại mặt đất, Trung tá Mộ cho biết, chỉ vài ngày nữa đội bay sẽ chuyển về sân bay Gia Lâm để phục vụ Đại lễ. Anh bảo, với tất cả những gì mà đội đã thể hiện, chắc chắn đội bay sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được giao phó. Và, cũng chắc chắn rằng, trong ngày kỷ niệm long trọng tới đây, người dân cả nước sẽ được thưởng thức tiết mục bay vô cùng hấp dẫn...

(Còn nữa)
Tags: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn