“Vip” như sinh viên đại gia

19/9/10
Được trang bị "tới tận răng", các sinh viên đại gia sống sung sướng như ở nhà. Thậm chí có phần thoải mái hơn vì không bị bố mẹ quản lý.

Từ ở…

Ngọc Huyền, sinh viên Đại học Kinh doanh công nghệ đã làm không ít các bạn Hà Nội phải trầm trồ về mức độ “quý tộc” của mình. Ngay khi nghe tin đỗ đại học, món quà đầu tiên mà Huyền nhận được là một chiếc iPhone đời mới, tiếp đó là một chiếc xe LX để tiện cho việc đi lại dưới thủ đô.

Chỉ việc ăn chơi và hưởng thụ

Món quá thứ ba, trị giá gấp vài chục lần là một ngôi nhà 5 tầng với đầy đủ nội thất đẹp đẽ ở Thanh Xuân. Được trang bị đến tận răng, đi học, Huyền vẫn sung sướng như ở nhà, thậm chí có phần thoải mái hơn vì không bị bố mẹ quản lý.

Kém hơn một chút, Thu Phương, sinh viên Đại học Quốc gia được bố mẹ mua cho một căn hộ 2 phòng ngủ, nội thất không thiếu một thứ gì. Giặt đồ đã có máy, dọn nhà đã có máy hút bụi, cô tân sinh viên này chỉ cần lo nấu cơm để đảm bảo vệ sinh. Đồ ăn luôn đầy ắp trong chiếc tủ lạnh 400l của Phương.

Mỗi tháng được bố mẹ cho 5 triệu để chi tiêu, mà không cần lo ăn uống, Phương chi tiêu khá thoải mái, không mang nỗi lo ngay ngáy “chưa hết tháng đã hết tiền” như các bạn sinh viên khác.

Đến đi…

Sinh viên thường đi xe buýt, xe đạp, có điều kiện hơn thì đi xe máy. Người ít tiền thì Sirius, Wave, nhiều tiền hơn một chút thì Click, Atila, Airblade… còn đã là sinh viên đại gia thì ít nhất cũng là Vespa, SH.

Dù đã ra trường nhưng hot boy Hà Thành nổi tiếng đẹp trai vẫn được sinh viên các khóa sau nhớ đến, không chỉ vì ngoại hình rất ưa nhìn mà còn vì hot boy này đi BMW 325i tới trường.

Dạo qua bãi đỗ xe của các trường đại học, lẫn trong những chiếc xe ô tô của giảng viên, có không ít xe mà chủ nhân là sinh viên.

“Vip” như sinh viên đại gia

Học trong môi trường ngoài, sinh viên đại gia có nhiều cơ hội thể hiện sự quý tộc của mình, tự làm cho mình lạc lõng giữa các bạn. Đối với các sinh viên vip học trong môi trường quân đội hay an ninh, cảnh sát, phải mặc quân phục, ăn cơm tập thể, tắm giặt tập thể, thì lại có những kiểu khác để thể hiện sự “quý tộc” của mình.

Thay vì dùng bể nước tập thể, V đã từng khiến bạn bè rất ngạc nhiên khi cậu sẵn sàng chi rất nhiều tiền mua lavie để đánh răng, rửa mặt, gội đầu. V cũng không thích chơi cùng ai, tình tình lại chảnh, sống tách biệt với mọi người. Bạn bè cũng chẳng ai muốn gần.

Bạn bè nghĩ gì về sinh viên đại gia? “Các bạn ấy đến trường thì cũng ít trò chuyện với mọi người. Nói chung là kiêu lắm”.

Quá thừa thãi về vật chất, nhiều sinh viên đại gia không vượt qua được cái “khó” của sự sung túc, sống lưng chừng, không niềm tin, không mơ ước, cũng chẳng cần lo lắng quá nhiều về tương lai.

Tâm sự của Thu Phương: "Sáng tôi đi học, chiều đi shopping, tối lướt web hay là đi chơi với bạn bè. Tôi không quan tâm nhiều lắm đến công việc sau này. Đã có bố mẹ lo rồi"

Dư thừa về vật chất làm cho người ta không phải lo nghĩ, nhưng cũng khiến họ dễ sa đà vào nhiều sự cám dỗ và thiếu đi sự phấn đấu trong cuộc sống. Tất nhiên có điều kiện thì có quyền sung sướng, tuy nhiên, liệu sự giàu có bền nếu như các sinh viên đại gia không biết nghĩ và lo lắng cho chính tương lai của mình.

Theo Vietnamnet

Tags: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn