Đại lễ nghìn năm: Ý thức của một bộ phận người dân còn rất kém

12/10/10
Như vậy, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã chính thức đi qua, đánh dấu một chặng đường quan trọng của lịch sử dân tộc. Đến thời điểm này có thể nói Đại lễ đã thành công tốt đẹp nhưng bên cạnh đó vẫn có những vấn đề đáng bàn về ý thức người dân tham gia ngày lễ lớn nhất của dân tộc.

Chưa bao giờ Thủ đô lại trải qua một ngày lễ lớn như vậy trong suốt 1000 năm qua nên tâm trạng háo hức chờ đợi của những người dân sinh sống ở Hà Nội là điều rất dễ hiểu.

Bên cạnh những người dân Thủ đô, Hà Nội còn đón chào những người bạn đến từ các tỉnh khác và không thể thiếu bạn bè quốc tế.

Chính vì vậy, trong suốt 10 ngày Đại lễ ra đường lúc nào cũng có thể nhận thấy một không khí vô cùng náo nhiệt, những dòng người đổ về Hồ Gươm, Mỹ Đình, quảng trường Ba Đình đông đúc hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, với số lượng quá đông người dân đổ về những khu vực trung tâm là các nơi sẽ diễn ra các hoạt động quan trọng của Đại lễ cũng kéo theo rất nhiều những vấn đề quanh nó.

Chặt chém bằng mọi cách

Đầu tiên phải kể đến đó chính là hiện tượng các dịch vụ trông xe thỏa sức chặt chém khách đi chơi với giá “cắt cổ”. Bất kì địa điểm nào có các hoạt động liên quan đến Đại Lễ đều có cảnh chặt chém khách gửi xe không thương tiếc. Tình trạng loạn giá, chặt chém diễn ra ở khắp nới.

Lợi dụng việc cấm đường của Ban tổ chức Đại lễ, các điểm trông giữ xe tự phát đã mọc lên như nấm. Mặc dù trước ngày khai mạc Đại lễ các điểm trông xe tự phát đã bị dẹp hết nhưng rất khó có thể kiểm soát khi nhu cầu gửi xe của người dân là có thực và cung không đủ cầu. Đó chính là cơ hội để các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên và thỏa sức tung hoành.

Dọc những tuyến đường có nhiều hoạt động quan trọng của Đại lễ như: Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… các bãi gửi xe tha hồ chặt chém khách gửi xe với giá cắt cổ và thậm chí một số địa điểm còn “hét” lên cao hơn từng giờ và cá biệt có những hành động chửi mắng nếu khách mặc cả.


Các điểm trông xe tự phát dịp Đại lễ sẵn sàng chặt chém bằng mọi cách

Mức giá gửi xe trong các ngày Đại lễ tại các con phố ven Hồ Gươm như Đinh Lễ, Nguyễn Xí có lúc dao động từ 20 đến 45 nghìn đồng/xe máy và có lúc đã “leo thang” lên đến 100.000 cho xe máy, 300.000 – 500.000/ô tô. Các nhân viên bãi xe tự phát này thi nhau đứng ra đường chèo kéo khách vào gửi xe làm khu vực này thêm lộn xộn.

Thực trạng này vẫn tiếp tục diễn ra đến tận tối cuối cùng là Lễ bế mạc Đại lễ tại Mỹ Đình. Giá trông xe theo phản ánh của nhiều người dân lên đến mức “kinh hoàng” khi nhảy lên mức 200.000 - 300.000/xe máy mà không còn chỗ trống.

Trước tình trạng đó, rất nhiều người phải gửi xe với giá cắt cổ đều rất bức xúc nhưng vì không thể kiếm được một địa điểm gửi xe nào gần với giá rẻ nên đành phải rút tiền trả khi đã trót vào các điểm gửi xe tự phát.

Không chỉ dịch vụ trông xe “hốt bạc” qua việc chặt chém mà những dịch vụ ăn theo khác như xe ôm, taxi, ăn uống, nước giát khát… cũng bỗng vọt lên đến mức chóng mặt theo từng ngày Đại lễ.

Một chai nước Lavie được bán với giá 10.000 – 20.000 đồng/chai, một số người “trót dại” uống một cốc cà phê đã phải trả 50.000 đồng tại Bờ Hồ. Trong khi đó, đêm bế mạc Đại lễ tại Mỹ Đình, lợi dụng tình trạng tắc đường và nhu cầu ăn uống của người dân, các dịch vụ ăn theo đã “chặt chém” với giá không thể tưởng tượng nổi đến mức 50.000/chai trà xanh không độ, 20.000 đồng/quạt giấy, 10.000/cốc trà đá…

Xả rác, dẫm hoa vô tội vạ

Rõ ràng việc đông đảo người dân muốn hòa mình vào các hoạt động của Đại lễ 1000 năm Thăng Long là một vấn đề không có gì đáng ngạc nhiên vì không phải ai cũng có cơ hội trong đời được chứng kiến thời khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, việc hòa mình như thế nào lại là vấn đề làm đau đầu Ban tổ chức và những người làm công tác vệ sinh môi trường trong các khu vực tụ họp đông đảo quần chúng.


Mỹ Đình ngập trong rác đêm 10/10. Ảnh Vnexpress

Trong suốt 10 ngày diễn ra Đại lễ, những địa điểm chìm ngập trong rác và dẫm nát các chậu hoa tươi sau mỗi ngày phải kế đến là Hồ Gươm cùng các tuyến phố lân cận hướng về Hồ Gươm. Đáng buồn hơn là rất nhiều người còn ném cả rác xuống dưới Hồ Gươm tạo ra một khung cảnh thực sự không đẹp mắt.


Ngồi cả lên hoa ven Hồ Gươm. Ảnh: Vietnamnet

Đặc biệt, trước hàng vạn người đổ về sân Mỹ Đình tối 10/10 cùng lúc còn tàn phá các khóm cây cảnh, hoa tươi được trưng bày trước đó nát bươm khi ra về. Mặc dù các đội công nhân vệ sinh môi trường đã làm việc cật lực suốt đêm nhưng đến sáng 11/10, Mỹ Đình vẫn ngập trong rác.

Tình trạng này phải kéo dài đến chiều tối 11/10 mới thực sự được giải quyết. Núi rác khổng lồ đã được dọn sạch sẽ tại Mỹ Đình, các khóm cây cảnh cũng đang được sửa lại nhưng đằng sau đó chính là vấn đề người dân như thế nào khi phải mất khá nhiều thời gian các công nhân chăm sóc cây xanh mới có thể khôi phục lại hiện trạng như cũ.

Thiếu ý thức khi xem các tác phẩm có giá trị

Với các hoạt động diễn ra ngoài trời đã vậy nhưng đối với các hoạt động hạn chế số lượng người tham gia hơn cũng không tránh khỏi những việc làm thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Vào ngày 2/10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, khi diễn ra lễ ra mắt và bàn giao tác phẩm Chiếu dời đô mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã có một số người dân lao tới dùng tay "cạy thử" chữ mạ vàng trên Chiếu dời đô và sau đó, khi được đưa đến Văn Miếu tại Triển lãm thư pháp tình trạng tương tự lại tái diễn.

Dù đã được bảo vệ rất kỹ và có biển báo không sờ hiện vật được Ban tổ chức ghi rất rõ nhưng do tính hiếu kì và tò mò nên một số người dân đã có những hành động có thể làm tổn hại đến các tác phẩm được trưng bày.


Kiếm tra "tính xác thực" của Chiếu dời đô

Mặc dù, ngay cạnh các tác phẩm này đã có bảo vệ nhắc nhở nhưng vẫn có người cố ý sờ trộm hoặc lợi dụng những phút lơ là của người trông coi. Theo “lý giải” của một số người bị bảo vệ nhắc nhở thì họ “không cầm lòng” được trước một tác phẩm đặc biệt như vậy.

Còn với các bia đá tiến sĩ, chuyện sờ đầu rùa đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng tại Triển lãm thư pháp còn có một số người sẵn sàng… ôm cổ rùa đá để tạo dáng chụp ảnh.

Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là ngày lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Thủ đô Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bên cạnh những ấn tượng đẹp về 10 ngày diễn ra Đại Lễ là những vấn đề cần nhìn lại đó chính là ý thức của chính người dân. Đó là một phần vô cùng quan trọng trong việc thành công của Đại lễ. Chắc chắn Đại lễ sẽ còn thành công hơn nữa nếu như người dân tham gia thực sự có ý thức cao hơn.

Vũ Ngọc
Tags: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn