“Boeing mặt đất” đắp chiếu ở Gia Lâm

13/10/10

Đoàn tàu HaLong Express đang được gửi tại Công ty xe lửa Gia Lâm với phí mỗi tháng tiền trông coi hết 7 triệu đồng. HaLong Express, hay “Boeing mặt đất” đang trở thành con tàu chết.

Luật Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có hiệu lực từ năm 1996, cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt.

Toa tàu sau khi được hoán cải

Theo số liệu của Tổng công ty ĐSVN, hiện có gần 20 đầu mối tham gia khai thác vận tải trên đường sắt. Một số dự án đã thu hái thành công như các chuyến tàu cao cấp phục vụ khách du lịch đi SaPa, Nha Trang, Vinh, Hải Phòng... Nhưng cũng có dự án đã không thành công và bài học rút ra ở những dự án này là cần thiết.

Nhập “hàng cũ” để làm “sản phẩm cao cấp”

Đoàn tàu khách chất lượng cao mang tên HaLong Express được Công ty Dongrim (Hàn Quốc) đầu tư vốn 100%. Tận dụng những toa xe tàu điện ngầm (metro) đã sử dụng trên 20 năm tại Hàn Quốc, Công ty Dongrim đã đưa sang VN lô đầu tiên gồm 6 toa xe chạy trên khổ đường 1.435 mm. Sau đó, Dongrim đã thuê Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT thiết kế cải tạo hết 70.000 USD, thuê Công ty xe lửa Gia Lâm hoán cải toa xe hết 300.000 USD.

Khi khai trương, tháng 4/2009, tàu HaLong Express đã được giới thiệu là “Boeing mặt đất” với toàn bộ các toa xe được nhập từ Hàn Quốc, trong toa có màn hình LCD âm thanh nổi, máy điều hòa không khí siêu êm, khu vệ sinh lịch sự, quầy mini bar sang trọng. “Boeing mặt đất” còn được quảng bá thân thiện với môi trường, du lịch tốc độ cao và “siêu an toàn”.

Ông Nguyễn Hiền Thái, người từng tham gia dự án này với tư cách Phó giám đốc công ty Dongrim cho biết: dù được đầu tư khá lớn, chuẩn bị khá công phu, nhưng khi đi vào hoạt động, trừ một vài ngày đầu khai trương và dịp lễ 30-4 và 1-5 là đông khách. Sau đó, số lượng khách cứ thưa dần và có những chuyến con tàu có sức chứa 300 khách này chỉ có 3-4 khách. Sau 35 chuyến hoạt động kể cả chạy thử, tàu HaLong Express phải ngừng hoạt động.

Hiện đoàn tàu HaLong Express vẫn đang được gửi tại Công ty xe lửa Gia Lâm với phí mỗi tháng tiền trông coi hết 7 triệu đồng. HaLong Express, hay “Boeing mặt đất” đang trở thành con tàu chết.

Một số chuyên gia kinh tế vận tải sắt cho rằng, nguyên nhân chính làm cho tàu HaLong Express sớm “đắp chiếu” là do Công ty Dongrim quá “ảo tưởng” về dự án khai thác 300 toa xe đã thanh lý tại Hàn Quốc sẽ được sử dụng tại VN.

Đầu tư dựa vào dự báo “ảo”

Thêm vào đó, là nhà đầu tư nước ngoài này lại dựa vào những con số “không có thực” mà các dự án nghiên cứu về chiến lược GTVT trước đó đã đưa ra về lượt hành khách đi lại khi tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng mới với tiêu chí hiện đại nhất VN là tuyến Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân sớm đưa vào khai thác. Nhưng, dự án này cứ kéo dài năm này qua năm khác và không biết khi nào thì có thể đưa vào khai thác trong bối cảnh thiếu vốn, nhà thầu rút quân hoặc thi công cầm chừng như hiện nay.

Tàu vắng vì không có khách "ảo"

Tàu HaLong Express được đầu tư với số vốn ban đầu trên 1 triệu USD hiện đang thành “con tàu chết” nhưng Công ty Dongrim vẫn phải chi 8000 USD/tháng cho việc thuê văn phòng, thuê trông 6 toa xe, thuê phiên dịch... Và như thế, dù tàu HaLong Express không hoạt động thì nợ vẫn chồng lên nợ.

Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Dongrim (Hàn Quốc) đang đứng trước khó khăn, không có lối thoát: tuyên bố phá sản thì công ty mẹ không đồng ý, bơm thêm vốn thì không có tiền.

Giải pháp “cứu” tàu HaLong Express lúc này là cho Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội mượn toa xe để liên kết với một số đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn tổ chức đưa khách đi tham quan Vịnh Hạ Long, phối hợp đưa đón khách bằng ô tô kết hợp với tàu hỏa. Nhưng Dongrim cũng phải có 350.000 USD trả cho Công ty Tư vấn và Công ty xe lửa Gia Lâm tiền thiết kế, hoán cải toa xe mới đem được xe ra khỏi cổng nhà máy.

Theo Hồ Thu
Bee
Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn