Người Hà Nội tự kiêu?

7/10/10

Dù người thủ đô, hay không thủ đô, thì nền văn hóa thủ đô vẫn sẽ là phẩm chất mà chúng ta tự hào, ngưỡng vọng, và luôn bồi đắp để cho nó mỗi ngày mỗi xứng đáng hơn.

Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, một kinh đô có số tuổi lâu đời nhất nước nhà, như hà hơi thở nóng rực vào mặt tất cả người dân nước Việt. Giới trí thức nhân văn đóng góp việc gì vào Đại lễ? Hiển nhiên có khá nhiều việc, nhưng trong những ngày qua, nổi lên việc có khá nhiều cây bút và học giả xới lên và bàn tán về hai câu thơ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Hai câu thơ này theo thể lục bát khá rõ ràng, đơn giản, nhưng được nhiều người bàn qua tán lại như một cuộc đấu khẩu trên vòng cung hóc hiểm không thể nào tìm ra lối thoát hay đáp án chung kết.

Có lần được chứng kiến việc khá điển hình, một đại biểu sừng sừng cầm tờ giấy đã chuẩn bị trước lên đọc, đại khái mỉa mai rằng: "Đừng có tự hào là người Tràng An! Tràng An ở bên Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam đâu, vì vậy đừng có tưởng mình lịch sự như hoa nhài mà kiêu căng, trong khi đó có lắm kẻ ở thủ đô mà nhếch nhác, và thiếu văn hóa...".

Hoa nhài có màu trắng biểu tượng cho cao thượng và trinh tiết. Vị thơm biểu hiện cho nội dung sâu sắc của con người. Ảnh: ilovehanoi.com

Cuộc tranh luận về hai câu thơ trên có hai ý chính: Người Tràng An, tức người Hà Nội thanh lịch. Người Hà Nội mà lại kiêu căng như thế à?

Cuộc tranh luận trên rất giống nhiều cuộc tranh luận văn chương khác, nó thường rất tỉ mẩn, tầm chương trích cú, nhưng lại không có khả năng dứt điểm hay ngã ngũ (chẳng hạn trước đây có cuộc tranh luận về "chín móng". Thêm một lần nữa có phải chúng ta được chứng kiến khả năng lý luận yếu của học giả Việt Nam (đây chính là đặc điểm đã được nhà nước nêu trong các văn bản). Tại sao vậy? Thử bàn thấu đáo cụ thể về câu thơ.

Về địa danh Hà Nội và Tràng An: "Tràng An" là một tên Trung Quốc hoàn toàn. "Tràng", cũng là "Trường", theo nghĩa không gian nghĩa là dài, nó thường biểu hiện cho thành, vì thành bao gồm tường xây đắp dài bao quanh đơn vị cư trú và đóng quân. Theo nghĩa thời gian là lâu dài. "An" là nơi sau khi chiếm được hay bình định được, vua chúa đặt là "an" tức là cuộc chiến đã vãn hồi, hay an định. Nó còn là lời chúc phúc cho vùng đất đó hãy được bình an tránh khỏi các nạn can qua binh đao khói lửa. "Trường An" cũng còn có nghĩa là bình an lâu dài.

Nhưng Tràng An ở đây, đặc biệt trong thơ văn được dùng như là nghĩa bóng, ám chỉ thủ đô hay các thành phố lớn, có nghĩa là nơi trường thành an lạc lâu dài. Nên câu thơ trên có thể hiểu cụ thể thế này:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người kinh đô

Câu này đúng ở khắp nơi, cả Việt Nam, lẫn Trung Quốc, và trên toàn thế giới. Nhưng tại sao, người Việt lại không dùng chữ "Kinh đô" mà là chữ "Tràng An"?

Bởi vì chữ "Tràng An" là tên riêng, nó biến thành cái đặc thù hơn. Trong văn thơ và nghệ thuật cái đặc thù bao giờ cũng được đón rước hơn cái phổ quát. Người Pháp có nói "Nghệ thuật là của tôi, khoa học là của chúng ta".

Nhưng chữ "Tràng An" trong câu thơ trên đã được biến thành cái đặc thù phổ quát, như trong câu "Cái gì của Sê Za hãy đem trả Sê Za". Sê Za ở đây là bất kỳ ai, chứ đừng có nghĩ đây là hoàng đế La Mã mà hỏng bét.

Câu thơ trên không phải giành cho người Hà Nội, hay là người Hà Nội tự kiêu. Mà phải hiểu rằng nó nêu cao một phẩm chất của người thủ đô. Thủ đô không chỉ là niềm kiêu hãnh của riêng Hà Nội, mà là niềm kiêu hãnh của tất cả thủ đô và những thành phố lớn trên thế giới.

Tại Việt Nam, chúng ta đã từng có bốn thủ đô: Hoa Lư, thủ đô của nhà Đinh, Hà Nội thủ đô mở đầu với nhà Lý, Huế là thủ đô thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hòa... Cả bốn nơi này đều có thể ngâm câu: Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tại sao? Vì thủ đô luôn luôn tập trung về nhiều tinh hoa, trí thức, nhiều thợ lành nghề nhất, và cung đình là nơi đặt ra cũng như thành tựu nhiều qui tắc văn hóa. Các triết gia nói, văn minh nhân loại được hình thành nơi đô thị. Vì thế không thể sai khi nói: Thủ đô (các thành phố) là thanh lịch hơn thôn quê.

Dù người đã ở kinh đô, hoặc đang tới kinh đô, dù người đã thanh lịch hay đang hướng tới thanh lịch thì đều nhắm đến một chuẩn mực cao cấp của một công dân ở kinh đô. Ảnh: nguoihanoi.com.vn

Nhưng thủ đô, hay Hà Nội, hoặc bất kể Tràng An nào nghĩa bóng hay nghĩa đen, không phải chỉ thuộc con người ở đó. Nếu người cha dặn con rằng: "Con đi lên thủ đô, ở đấy họ giỏi giang, lịch sự lắm..." thì có nghĩa cả cha và con họ đã tham dự vào giá trị siêu hình của thủ đô. Nếu một ông chồng hỏi bà vợ "bà chọn những củ khoai to làm gì?" Bà vợ trả lời "Để mang lên thủ đô bán". Như vậy ngay cả củ khoai cũng tham gia vào giá trị tuyển lựa siêu hình của thủ đô.

Giống vậy, tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác nhập đô hay đi du lịch về thủ đô, thì chí ít họ đều siêu vượt hơn chính bản thân mình để tham gia vào giá trị siêu hình của thủ đô.

Đừng nghĩ câu "Tràng An" là chỉ người thủ đô, mà đó là giá trị hướng tới cũng như tự hào của mọi dân tộc. Thật là cục bộ và cố chấp nếu chúng ta nghĩ nó chỉ thuộc về Hà Nội. Thủ đô là nơi tập trung về để xây nền văn minh. Làm gì có sự tập trung đó nếu không có sự nhập cư?!

Hoa nhài: Có người cho nó là hoa dung tục, không xứng đáng để ca ngợi là thanh lịch. Hoa nhài, có hai đặc điểm chính: màu trắng thanh khiết, và mùi thơm thoang thoảng bền lâu.

Màu trắng biểu tượng cho cao thượng và trinh tiết. Vị thơm biểu hiện cho nội dung sâu sắc của con người. Còn nó dung tục ư? Nó rất thích hợp với đời sống của người thế tục, bởi vì con người còn có dục vọng thì còn là những gì thế tục, tầm thường. Như vậy hoa Nhài, rất thích hợp để ví vào con người.

"Chẳng thơm - Dẫu không": Nhiều người cho đây là câu phủ định, nhưng không phải, đó là một hư từ để càng tăng cường tính khẳng định của lời nói. Người Pháp chẳng hạn, họ rất thường dùng từ "ne" trong câu, để vừa tăng cường tính khẳng định, vừa làm cho nó có độ mờ tế nhị.

Chẳng hạn, nếu người Việt nói "Pê-lê mà không đá được bóng à", thì có nghĩa Pê-lê đá bóng siêu giỏi là việc miễn bàn. Vậy, trong hai câu thơ trên phải hiểu thế này: là hoa nhài thì phải thơm, là người kinh đô thì phải thanh lịch.

Tóm lại, dù người đã ở kinh đô, hoặc đang tới kinh đô, dù người đã thanh lịch hay đang hướng tới thanh lịch thì đều nhắm đến một chuẩn mực cao cấp của một công dân ở kinh đô. Đó là cách hiểu đơn giản của mọi người từ người bán hàng đến anh trí thức.

Người ta vẫn nói: Khi chưa học, núi là núi, sông là sông; khi học rồi núi không còn là núi, sông không còn là sông; nhưng khi học xong rồi, thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.

Hy vọng, sau khi chúng ta tranh luận để rồi nên thấy: Dù người thủ đô, hay không thủ đô, thì nền văn hóa thủ đô vẫn sẽ là phẩm chất mà chúng ta tự hào, ngưỡng vọng, và luôn bồi đắp để cho nó mỗi ngày mỗi xứng đáng hơn.

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn