Thực hư chuyện dùng mỡ người câu cá

1/10/10

Những ngày lang thang xách cần vui thú câu cá ở vùng ven, chúng tôi không tin vào tai mình khi nghe một vài dân câu cá chuyên nghiệp kể về loại mồi “bí truyền”, “sát thủ” của loài cá...

“Sát thủ”

“Mỡ gì?”. Chúng tôi lặp đi lặp lai câu hỏi ấy ba, bốn lần. ’ Mỡ người đấy’. Cũng bằng ấy lần lặp lại câu trả lời, anh Ba, người câu cá lâu năm trong nghề nói như chắc nịch về loại mồi câu “bí truyền” thường đồn đại bấy lâu nay.

Dân câu cá kể rằng, chỉ cần có mỡ người là đánh được hết ao. Ngay cả loại cá khó dụ như cá chép, chỉ cần mồi mỡ người là cá tự động cắn mồi, lao đầu vào chỗ chết như rươi. Theo lời mô tả dân trong nghề, cám được vo tròn thành cục, sau đó tiêm mỡ người chứa trong xi lanh. Mỡ người hôi cực kỳ nên bất cứ loại cá nổi tiếng khó câu đến cỡ nào cũng phải cắn câu với loại mồi này.

Như để khẳng định thêm câu chuyện của mình, anh Ba miên man theo dòng hồi tường, dạo trước, anh thường xách cần tới khu vực ngã ba cây Sọt trên Tân Ba (từ khu công nghiệp Sóng Thần đi thẳng qua hướng huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Không như những vùng đất đã biến thành khu đô thị hóa tại TP.HCM, nơi kênh rạch đã bị “khai tử” vô tội vạ, vùng này còn mang đậm thổ nhưỡng thôn quê, với đặc trưng sông nước Nam Bộ nên lắm ao, nhiều hồ. Những cái tên như ao Dân 1, ao Chủ tịch, ao Bà Đèo, Ba Ao...được biết đến nhiều vì có nhiều giống cá chép, cá chim, cá tra...

“Giống cá chép là khó đánh nhất nhưng chỉ cần một ít mỡ người là bảo đảm khó cỡ nào cũng dính. Có hôm tôi đánh liền 35 con cá chép. Sẵn ống tiêm trong tay, chích vào cục mồi nào là cá ăn ngay mồi ấy. Cứ thế, cá ăn một mạch”- anh Ba kể. “Mỡ người đánh hay lắm mà mấy lúc này khó mua vì người ta xài lò thiêu hiện đại hết trơn”.

Chuyện của dân câu

Chúng tôi hỏi mỡ người được lấy bằng cách nào? Một dân câu cho biết, lúc trước, khi chưa có các lò thiêu với công nghệ khép kín, dân hôi mỡ người mò lên tận lò thiêu ở chùa Xá Lợi (qua khu du lịch Suối Tiên quẹo vào khu Lâm Viên, Q.9).

Trước khi mang vô thiêu, người ta mang quan tài lên vĩ, thiêu bằng củi, mỡ mới chảy xuống góc. “Kêu thằng thợ mình cho tiền bắt nó cầm lon buộc chặt một đầu thò vô nó hứng. Tui lên trên Biên Hoà xin nhưng sau người ta xài lò thiêu gas. Gas nóng nên không lấy mỡ được. Thấy vậy, tôi xuống tận B. (tên một lò hỏa táng ở TP.HCM) nói mấy công nhân thông cảm tụi em kẹt người nhà bệnh, xin mỡ về làm thuốc chữa nhưng thật sự lấy về đi câu không. Nói thiệt, lấy được sẵn sàng cầm 500.000 đồng ra cho liền tại vì mất chừng đó tiền nhưng tui đem về câu được 3-4 triệu đồng”- một dân câu cá lâu năm kể trong khi chúng tôi bán tín, bán nghi về câu chuyện của anh ta.

Nhiều câu chuyện tương tự như câu chuyện dùng mỡ người câu cá xuất phát từ tâm lý thích "hàng độc"?. Ảnh: An Bang

Chúng tôi nói phải thấy tận mắt mới tin, “cần thủ” này thoái thác: “Gần đây thiêu khép kín, nóng quá nên lửa táp cháy hết mỡ không lấy được. Giờ chỉ có vô bác sĩ thẩm mỹ lấy mỡ bụng của mấy người dư mỡ. Thứ mỡ ấy nó kì lắm, nhìn nó giống như bong bóng, đánh rất nhạy. Đem về thắng lại giống như mỡ heo vậy, xong mình phải cất kỹ lắm tại nó hôi cực kỳ. Người ta đem đánh cá sấu cũng bằng cái mỡ đó”.

Ngừng giây lát, để thăm dò thái độ của chúng tôi, anh ta tiếp tục câu chuyện: “Tui có quen một anh bác sĩ thẩm mỹ ở Q.10, tui nói ảnh nhà có người thân bị bệnh cần ít mỡ để chữa bệnh, xin ảnh cho. Nhớ nói bác sĩ đừng tẩm thuốc phân hủy chứ thường khi bác sĩ lấy mỡ ra họ tẩm thuốc để đem tiêu hủy".

Hàng “độc”

Đem câu chuyện dùng mỡ người làm mồi câu cá mà chúng tôi nghe được thuật lại cho ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP HCM, ông cười khẩy. “Bịa đặt. Tôi câu cá từ năm 11 tuổi. Ngày xưa, có một loại mồi gọi là mồi thuốc. Lấy mỡ bò ép với cá linh tẩm thêm các vị thuốc Bắc như đại hồi , tiểu hồi, a quỳ...làm dậy mùi, phơi mấy ngày để thúi lên để mồi đừng rã. Người ta dùng mỡ bò bởi đơn giản mỡ xuống nước không tan, giữ mùi lâu”.

Ông Lãng nói thêm, dân câu cá gọi đó là “mồi thuốc”. Những năm 1960, bà thầy Thi nhà ở bùng binh Cây Gõ là người duy nhất bán loại mồi này. Lúc ấy, dân tình nghe tiếng đổ xô đi mua rất đông. Sau này, khi đã biết bí quyết pha chế, tiệm thuốc bà thầy Thi cũng sập, ế chỏng chơ.

Từng dọc ngang nhiều với dân câu thứ thiệt ở khắp các vùng bưng, đồng trũng, ao hồ, kênh rạch ở khu vực Đông Nam Bộ, ông Lãng cho rằng, một vài kẻ vác cần câu đã nói quá để cho câu chuyện nghe có vẻ bí hiểm. “Không có lý do gì chỉ vì thú vui câu cá mà đi kiếm xác người lấy mỡ”- ông Lãng nói.

Anh Nguyễn Quốc Nam, hội trưởng của một nhóm chuyên câu cá ở đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM khi nghe chúng tôi thuật lại câu chuyện không lấy làm ngạc nhiên. Anh Nam cho biết, đã từng nghe nhiều lần câu chuyện này trong giới câu cá nhưng anh nói rằng đó chỉ là chiêu bịp bợm của một vài tay lọc lõi muốn tạo ra câu chuyện bí hiếm để bán mồi câu tẩm hóa chất xuất xứ Trung Quốc.

“Chuyện này cũng xuất phát từ thói ưa “hàng độc” của người dân mình. Đã chơi thú gì ai cũng muốn sở hữu món độc, món duy nhất nên mồi câu làm bẵng mỡ người cũng không ngoại lệ. Chuyện này lan rộng ra cũng là do những người muốn sĩ diện hão”- anh Nam luận chuyện.

Trở lại câu chuyện với anh Ba câu cá. Trong vai Việt kiều ở Úc sẵn lòng mua bất cứ giá nào loại mồi có một không hai, anh này đã nhiều lần khẳng định “sắp có hàng”. Chúng tôi nói với anh Ba nỗi sợ nếu có hàng cũng khó lòng lọt qua vòng kiểm soát sân bay để mang “hàng” về nước. “Khỏi sợ! Qua được hết. Chỉ cần khai với nhân viên hải quan là thuốc chữa bệnh”- anh Ba v"ẽ đường”.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện dùng mỡ người làm mồi câu cá, trong đó có việc mỡ người có thể tuồn ra bên ngoài thông qua các cơ sở thẩm mỹ viện, BS Phạm Hữu Quốc, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ trước đến nay chưa từng nghe nói về vụ việc này. Theo quy định của ngành Y tế, tất cả các cơ sở thẩm mỹ viện phải tự tiêu hủy rác thải y tế hoặc có công ty môi trường đến để đem chất thải y tế đó đi tiêu hủy. Còn khả năng tuồn ra ngoài thì phải đi thanh tra mới có thể biết được.
Theo VietNamNet
Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn