Game thủ về đêm

11/3/10

Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định việc kinh doanh loại hình internet, trò chơi trực tuyến(game online). Theo các văn bản này, các điểm kinh doanh chỉ được phép hoạt động từ 6g đến 23g. Nhưng trên thực tế, vào giờ cấm lại là thời gian nhộn nhịp nhất tại các quán game online.

Giờ vàng Game online…

Sau 23g đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì tại các “lãnh địa” game vẫn nhộn nhịp. Thời điểm này là “giờ vàng” của game online.

Theo chân Nguyễn Văn Hùng, sinh viên đại học Hà Nội- Một “dân” nghiền game online, chúng tôi dạo một vòng tại những tuyến phố vẫn được coi là “thiên đường” của dân game online. Vào khoảng 23g30, trên đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân-Hà Nội) - Nơi được coi là lãnh địa game. Dọc tuyến phố chưa đầy một cây số này có hơn 10 điểm kinh doanh game online, gần như tất cả đều rất đông khách, dù đã quá thời gian quy định từ lâu.

Để đảm bảo cho sự an toàn của các “thượng đế”, tất cả các quán đều cửa đóng then cài. Quán game “Lãnh địa game” với khoảng 50 máy không còn chỗ trống được bố trí thành hai tầng, tầng một có 18 máy chuyên phục vụ các thượng đế lướt web, chat chít và một góc nhỏ phục vụ các game thủ ngồi giải lao. Tầng hai có hơn 30 máy đây mới là lãnh địa game thực sự. Chỉ có bước vào đây mới cảm nhận được không khí nhộn nhịp như công sở lúc 8g sáng. Tiếng bàn phím kêu không ngớt, xen lẫn với những lời tục tĩu, tất cả được bao phủ một màn sương dày đặc của khói thuốc lá. Đã gần 1g sáng, số “thượng đế” không hề thấy thuyên giảm. Thỉnh thoảng lại có tiếng gõ cửa của một vài “ thượng đế” đến nhập cuộc.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Tại tuyến phố này, “dân” game chủ yếu là học sinh, sinh viên của các trường Đại học Hà Nội, Cao Đẳng giao thông vận tải và học sinh của một số trường phổ thông gần đấy. Theo Hùng, sở dĩ dân chơi game tập trung vào ban đêm vì ban ngày họ còn bận công việc, nhưng thực chất là do vào thời điểm này rất nhiều “cao thủ” tham chiến nên cuộc chơi hấp dẫn và cuốn hút. Ở Hà Nội, muốn chơi đêm thì cứ đến những tuyến phố nổi tiếng với dịch vụ này như Lê Thanh Nghị, khu vực xung quanh Trường ĐH Bách Khoa, Lương Thế Vinh…

Xóm 3 Mễ Trì, dọc con đường nhỏ nối từ đường công vụ số 07 vào chợ Mễ Trì Hạ đã có đến gần chục quán. Dừng chân tại một “lãnh địa” nằm lọt thỏm trong ngõ sâu gần chợ, chỉ với vài “thủ tục” đơn giản chúng tôi bước vào một thế giới game khác. Gần hai chục game thủ đang miệt mài bên màn hình, nhìn họ không còn cảm giác ngày hay đêm nữa. Những tiếng la hét om xòm. Một vài con nghiện của “game đêm” cởi trần sôi nổi bàn tán vấn đề mua bán “đồ” trong thế giới game. Một điều mà có lẽ chỉ tại nơi đây, những lãnh địa game mới có. Rất nhiều những ngôn từ lạ hoắc mà bạn không thể tìm thấy trong từ điển tiếng Việt, những câu nói tục tĩu được xướng lên liên tục. Không thể chịu thêm sự ngột ngạt nơi đây, chúng tôi ra về! Lúc này đã gần 4g sáng.

Những hậu quả đau lòng từ…game

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện trên mặt báo nhiều vụ án “sặc mùi” game. Do ảnh hưởng bạo lực từ nhiều loại game chiến đấu như: Đột Kích, Võ Lâm Truyền Kỳ…. mà nhiều “game thủ” mang cả những thù hằn của thế giới ảo ra ngoài cuộc sống để giải quyết. Chuyện, nhiều game thủ mâu thuẫn trong những cuộc chơi đêm, rồi hẹn nhau bên ngoài giải quyết bằng dao kiếm không còn hiếm thấy nữa.

Do thiếu tiền chơi game, nhiều học sinh không ngần ngại đi cướp, hoặc gây ra nhiều vụ án xôn xao dư luận thời gian gần đây. Đầu tháng ba, năm 2010, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA tỉnh Phú Thọ vừa khởi tố vụ án giết người, cướp tài sản, mà hung thủ lại chính là những thanh niên trẻ thiếu tiền chơi game. Bùi Mạnh Hà và Lê Qúy Mạnh (cùng trú tại TP Việt Trì), gặp nhau tại quán game, do thiếu tiền chơi game nên rủ nhau đi cướp. Bọn chúng tới chân cầu vượt Thụy Vân (xã Thanh Bình- TP Việt Trì), Hà đã chặn đầu xe anh Nguyễn Văn Phúc (xã Vân Phú-TP Việt Trì) gí dao vào cổ để đồng bọn cướp tài sản. Anh Phúc chống trả quyết liệt rồi bỏ chạy, nhưng được một quãng thì bọn chúng đuổi kịp và đâm liên tiếp vào người nạn nhân đến khi không còn khả năng chống trả. Sau đó, bọn chúng lục lấy 400.000 và một điện thoại di động rồi đi chơi game tiếp bỏ mặc nạn nhân.

Liên quan đến các vụ án có “mùi” game, chúng ta không khỏi bàng hoàng về hành vi giết người vô cùng dã man của người con trai đối với bố đẻ xảy ra tại Hải Dương. Ngày 19- 11-2009, TAND tỉnh Hải Dương đã tuyên án tử hình đối với tên Nghiêm Viết Thành – kẻ đã dùng dao chặt xác bố. Khoảng 22g ngày 6- 5-2009, Nghiêm Viết Thành (18 tuổi, trú tại 312 Điện Biên Phủ, TP Hải Dương) đi chơi điện tử về nhà muộn, đã bị bố đẻ là ông Nghiêm Viết Yên (51 tuổi) chửi mắng. Bức xúc vì bị mắng, Thành đã lấy dao inox dùng để chặt xương ở trên bàn uống nước gần ban công cầu thang chém nhiều nhát vào đầu, mặt ông Yên. Sau đó Thành lấy chăn ga giường phủ lên người nạn nhân. Gây án xong do sợ bị phát hiện, Thành chặt thi thể ông Yên thành năm phần, sau đó Nghiêm Viết Thành lấy xe máy đưa thi thể nạn nhân ra khu vực cầu Hải Tân và vứt xuống sông Sặt. Rạng sáng hôm sau Thành mang theo số tiền hơn 8 triệu đồng đi lang thang, đến quán internet mua 50 thẻ nạp vào tài khoản game trên mạng.

Game online ra đời nhằm phục vụ nhu cầu giải trí. Nhưng người nào quá lạm dụng game để không làm chủ chính bản thân mình thì một kết cục buồn sẽ xảy đến là điều khó tránh khỏi.

Theo Pháp Luật & Xã Hội

Tags: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn