Ăn hàng Hà Nội: Miệng nhai, tai nghe chửi

19/7/09
Với ối người, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" hấp dẫn như... màn biểu diễn họ được thưởng thức khi ăn. Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến thực khách nhớ rồi thành nghiện "ghé".


"Thượng đế"... ăn xin
Khi mà quán cháo chửi nổi tiếng cạnh Nhà thờ Lớn... hết chửi (có thể do thưa khách dần, và cháo gà không đủ hấp dẫn thực khách bằng những món ăn hiện đại mới "nổi"), người sành ăn Hà Nội lại bổ sung vào danh sách ghé chân, là những quán ăn mới, vừa bán vừa chửi "ác liệt" hơn.
Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng thơm ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, hông chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... "xả giận".

Trưa 15/02, một khách mới dừng xe trước quán hỏi: "Chị ơi, để xe ở đâu?". Bà đốp ngay vào mặt: "Để lên nóc nhà này này!". Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: "Đây không có rau, tự trồng mà ăn!".

Nghe bà chửi đã quen, một chị khách sau bữa trưa ngon miệng dũng cảm lại gần bà bảo: "Chị gói cho em 1 cái lưỡi về nhà, nhà em ít người, chị cho cái be bé". Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi ngút khói, mặt đỏ phừng phừng quắc mắt: "Đây không có hàng bé! 60 nghìn đổ đầu". Chị khách bắt đầu hãi, gật đầu ngay. Nhưng bà hàng chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng, múc nước chấm, vừa nguýt chị khách: "Đã muốn ăn ngon lại còn đòi rẻ!". Rồi cơn cáu giận dâng cao trào, bà móc cái lưỡi lợn ra khỏi túi nilon định đưa cho khách, ném vào rổ: "Thôi không bán nữa đâu, về đi!". Chị khách tím mặt lủi thủi ra về.

Tại nhiều quán đông và ngon khác ở Hà Nội, cảnh các thượng đế "xin ăn" không khiến nhiều người ngạc nhiên. Chị Hồng Hạnh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) kể, một lần cùng chồng đến quán mỳ vằn thắn trên phố Trần Hưng Đạo, chờ mãi không thấy nhân viên đến hỏi, chồng chị đành ra tận quầy bà chủ quán gọi món. 10 phút sau không thấy ai mang đồ ăn ra, hai vợ chồng ngại quán đông, đứng dậy ra về. Vừa ra khỏi cửa, đã nghe một giọng đàn ông chửi với theo: "Loại giẻ rách, có C. tiền mà ăn!".

"Mình mất tiền, chẳng phải để được cung phụng nhưng ít ra cũng phải được phục vụ cho đáng đồng tiền. Đi ăn để bị chửi, nhục lắm" - chị Hạnh nói.

Nỗi nhục đi ăn bị chửi, với chị Hằng (một phiên dịch) đến giờ vẫn còn đầy. Trước Tết, chị cùng bạn đến hàng quẩy trên phố Tô Hiến Thành. Gọi 2 suất nhưng bà chủ mang ra một đĩa đầy và bảo ăn không hết thì trả lại. Đĩa quẩy còn 5 cái, chị Hằng xin trả lại để tính tiền, bà hàng trừng mắt: "Mang về cho chó nó gặm nhé, chó chê thì vứt sọt rác".

Chị Hương và vợ chồng chị Hạnh không bao giờ quay lại những quán chửi đó nữa, nhưng mỗi lần đi qua, họ thấy người ăn vẫn vòng trong vòng ngoài. Có vẻ như nhiều thực khách không "nặng nhẹ" chuyện bị chửi, và quán vẫn giữ "phong cách".

"Phong cách" vừa bán, vừa chửi
Bị chửi mà vẫn ăn được, nữa là vừa ăn vừa được... xem chửi. Cũng nóng mặt đấy, nhưng... vui.
Chị Cẩm Tú, một giáo viên từng giật mình khi vừa ngồi xuống ghế đã nghe bà chủ một quán bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo xa xả: "Mày đi đâu mà giờ mới vác xác đến, ở nhà chôn bố mày à?".

Thì ra nạn nhân là cô giúp việc mới đang chôn chân chịu trận trước bà chủ và hàng chục thực khách đang tất bật nhai và... nhẫn nại nghe. Bà chủ quán thấy nhiều người ngẩng đầu ngó, như được động viên, tay làm hàm càng... chửi!. Một khách thấy chị Tú mắt tròn mắt dẹt thì bảo: "Bà này phải được chửi bán mới ... hăng. Cái cô người làm này mới nên chưa quen, chứ giúp việc cũ biết tính bà, bị bà chửi rách họng vẫn toe toét".

Ở hàng hủ tiếu nổi tiếng trong "ngõ ẩm thực" phố Hàng Chiếu, bà bán hàng cũng phải chửi người làm liên tục mới bán được. Được cái, bà này chua với người làm bao nhiêu thì ngọt với khách bấy nhiêu. Nên "bài chửi" của bà du dương với cả "nốt thăng" lẫn "nốt giáng": "Mày có rồ không mà cắt rau dài thế này? - Em không ăn rau sống, nhỉ?", "Cái con ngu vạ ngu vật kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài mà cứ đứng như con chết rồi thế kia? - Chưa đến lượt em, đợi tí, gái nhé!", "Xéo về quê mà hốc C.! Loại lười thối thây như mày chỉ tổ ngứa mắt tao! - Ngồi xuống đây em, chật chội tí, thông cảm nhá!"...

Qua trò chuyện, nhiều người khẳng định họ đều ít nhất 1 lần vừa ăn hàng vừa... được nghe chủ quán chửi người làm. Bà Lan (bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần trước, cả nhà bà đến quán hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến Thành. Bà chủ ở đấy đang quát tháo một nhân viên, thỉnh thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía cậu người làm; cậu này thì mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì. Các cháu bà Lan ngồi cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng trước mặt.

Trước những chủ quán mồm năm miệng mười, chửi người làm như hát hay, ối khách nghẹn. "Nuốt chưa hết miếng đã muốn đứng lên, ăn một lần là cạch đến già" - bà Lan nói.
Nhưng cũng với ối người, nghe chửi ở quán hàng thường như... vừa ăn vặt vừa xem biểu diễn (cốt sao tiếng chửi không dành cho mình!). Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn (vốn đã ngon hơn nhiều quán) thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến người ăn nhớ rồi thành nghiện "ghé".

Thế nên, "phong cách bán hàng" kiểu... chửi không chỉ tự phát ở các quán hàng nhỏ, mà còn được lẳng lặng xây dựng ở hệ thống nhà hàng bậc trung như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố Phan Bội Châu)... Mặc kệ những khách âm thầm ôm bực về nhà rồi cạch mặt nhà hàng, nhà hàng kiên trì giữ "phong cách", để lượng "fan" sẵn sàng xem chửi khi chống cằm đợi thức ăn đông dần. Cứ thế, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" không còn xa lạ với người Hà Nội. Và đôi khi, người ta chấp nhận như một nét văn hoá "rất Hà Nội".
Theo Vietnamnet








Tags: , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn