Kỹ nghệ 'luộc' xe

17/7/09

Dạo qua các cửa hàng sửa chữa, đại tu xe máy, có thể dễ dàng nhận thấy cảnh một “con xe” được vần ra và một toán thợ bu quanh tháo tháo, lắp lắp. Họ gọi đó là “luộc xe”. Đây là một cách kiếm tiền cực nhanh của nhiều thợ sửa chữa xe máy. Để đáp ứng nhu cầu của các thượng đế, nghề này phải thật “nhanh, gọn”.

Một lần đi thay dầu cho con xế, Thọ tình cờ gặp một thanh niên cưỡi con Super Dream phóng ào vào. Gẩy chân chống đánh tách, cậu dõng dạc: “Anh “luộc” giúp em con này cái. Nhanh nhanh lên đấy nhá”. “Yên trí, chỉ độ nửa giờ chú quay lại là xong ngay!”, người thợ xởi lởi. Sai cậu giúp việc tiếp tục thay dầu cho xe Thọ, người thợ chính vồ lấy con xe kia và bắt đầu thao tác nhoay nhoáy.

Không tới 30 phút, người thợ đã lấy giẻ lau dầu mỡ ở tay. Quá trình “luộc xe” đã hoàn tất. Chiếc xe trông bề ngoài chẳng khác gì lúc vừa mang đến. Chừng 30 phút sau, cậu thanh niên ban nãy quay lại. Người thợ đếm khoảng bốn triệu đồng đưa cho chàng trai kèm nụ cười phớ lớ: “Sướng nhé! Vừa có tiền, lại vẫn có xe đi”.

Thọ tò mò: “Được nhiều thế hả anh?”. Người thợ cười: “Con Dream Thái này của nó đáng giá gần ba trục triệu. Mình luộc được già nửa chỗ đó thì cũng phải trả cho nó kha khá để còn giữ mối chứ”.

Vẫn theo người chủ quán thì cậu thanh niên vừa rồi là một khách hàng quen của anh. Cậu là sinh viên ngoại tỉnh nhưng đã học được thói tiêu tiền như nước. Trước, do thiếu tiền chơi bời, cậu đã mang con Jupiter của cha mẹ mua cho mang ra đây luộc để lấy tiền. Sau cứ hết tiền là cậu lại mượn xe của bạn bè, người thân để đem đi “luộc”. “Con xe” vừa rồi chắc cũng là mượn của ai đó.

Người thợ nói chưa dứt câu thì lại có một chiếc Wave Alpha dắt vào. Nửa giờ sau, cậu này lại ra về cùng ba triệu đồng người chủ dúi cho.

Lát sau, lại có một người trung niên dắt con Attila đến. Người này giục liên hồi: “Anh làm nhanh nhanh giúp em”. Người thợ tỏ ra khá khẩn trương. Loáng sau, chiếc Attila đã được thay đèn và IC. Người trung niên nhận tiền rồi lại vội vàng dắt con xe đi.

Thọ thắc mắc: “Sao ông kia phải vội vàng thế nhỉ?”. Cậu thợ phụ trả lời: “Ông đó vốn là người trông xe ở chợ; sợ khách mua hàng ra giữa chừng không thấy xe đâu nên phải giục làm nhanh”. Trong một buổi sáng mà có gần chục chiếc xe được đưa ra “luộc”.

Những bộ phận dễ bị “luộc” nhất là: IC, phuộc, đèn, lọc gió, mặt nạ, chụp đèn, môbin, gác chân... Tuy nhiên, có những loại xe chỉ “luộc” được vài bộ phận. Spacy chỉ “luộc” được bình xăng và đèn. Suzuki thì chỉ “luộc” được Suzuki Viva. Riêng Future và Wave Alpha thì “luộc” được trăm phần trăm.

Giá “con xe” trước và sau khi “luộc” chênh nhau rất nhiều. Một chiếc chế hòa khí của Nhật trị giá hơn 400 nghìn. Trong khi đó đồ Tàu cùng loại chỉ xấp xỉ 100 nghìn. Cặp giảm xóc Nhật là 450 nghìn thì của Trung Quốc cũng chỉ hơn 100 nghìn. Rồi mặt nạ, IC của Nhật đều gấp nhiều lần đồ Trung Quốc. Chính do sự chênh lệch rất lớn đó khiến cho mỗi khi có “con xe” nào được đem ra luộc là thợ “vớ bẫm”.

Để tìm hiểu về cái sự “luộc xe” này, PV Công An TP HCM đã cất công lùng sục hầu hết những trung tâm sửa - đại tu xe máy của Hà Nội và nhận ra một điều rằng hầu hết các trung tâm này đều nhận “luộc” xe. Nhất là dịp gần Tết, khi mà những “đạo chích” cần tiền mua sắm, trả nợ...

Phố Trần Nhật Duật tấp nập như mọi ngày, các cửa hàng sửa chữa xe máy rất đông khách. Con phố chỉ dài vài trăm mét mà có đến hàng chục cửa hàng sửa xe máy mà cửa hàng nào cũng đông khách. Cứ thấy khách dắt xe vào là anh thanh niên quần áo bê bết dầu mỡ chạy lại gần hỏi “Em luộc xe hả?”.

Bên cạnh chuyện “luộc xe”, các chủ cửa hàng trên phố này còn kiêm luôn việc bán những chiếc biển số giả để người mua có thể dùng luôn.

Đoạn đường ngã tư Lê Duẩn, Khâm Thiên ngay sát cổng khách sạn Đường sắt và cổng ra vào Tổng công ty xăng dầu cũng rất nhộn nhịp khách ra vào "luộc xe".

Những mặt hàng bán ở đây đa phần là hàng do bọn ăn cắp mang đến tiêu thụ. Người mua kẻ bán như đã quá hiểu nhau nên không ai hỏi xuất xứ món hàng từ đâu mang đến như chợ Đê La Thành trước cổng ĐH Văn hóa, chợ bên ngoài hàng rào công viên Thống Nhất.

Đi ra đầu chợ, thấy mấy tay đang đứng ở đấy. Trên tay họ là những món đồ như điện thoại di động, phụ tùng xe máy. Đây là những món hàng mà dân chợ gọi là đồ “độc”. Theo tiết lộ của dân bán hàng ở đây thì ngon nhất là vớ phải hàng của những thằng nghiện “chôm” được đâu đó mang vội ra chợ bán tống bán tháo, giá nào cũng bán.

Không chỉ ở phố Trần Nhật Duật mà ở các cửa hàng sửa chữa thay thế phụ tùng xe máy trên phố Huế hay ở chợ xe máy đồ cũ trên phố chùa Hà cũng có rất nhiều “thợ luộc”. Không cần biết xuất xứ, chỉ cần khách có nhu cầu là thợ làm ngay tắp lự. Những kẻ “luộc xe” chuyên nghiệp mỗi tháng thu nhập không dưới 15-20 triệu. Từ sáng đến tối, những con phố này luôn tấp nập. Tiệm nào cũng có từ 4-5 “thợ mổ” lúc nào cũng sẵn sàng vào cuộc.

Anh Hùng, cựu “luộc xe” bây giờ anh đã chuyển sang làm nghề khác, chỉ cho biết: tùy vào yêu cầu của các “thượng đế” mà những “con xe” sẽ được mổ tan xác hoặc chỉ lấy một số phụ tùng. Những chiếc xe bị xẻ tan xác thường là xe ăn cắp, còn những chiếc xe chỉ mổ một vài phụ tùng là do những kẻ “thiếu tiền” mượn xe của bạn bè, người thân hay bất cứ ai mà họ có thể mượn.

Không chỉ dừng lại ở chuyện “luộc” những “con xe xịn” để lấy đồ Tàu thay thế, những “thợ luộc” còn kiêm luôn việc “luộc” những “con xe” “rởm” thành xe xịn.

Biết Thành có ý định mua một con Super Dream Việt Nam cho con gái, Mừng, anh bạn thân vốn hay đi lại với đám “thợ luộc”, khuyên: “Nếu ông muốn, tôi sẽ nhờ lấy cho ông hẳn con “giấc mơ Thái” mà giá cả chỉ tương đương”. Thành tỏ ra hoài nghi: “Làm gì có chuyện đó”. “Tuy không phải là mới bóc tem nhưng phụ tùng thì 100% Thái”, Mừng khẳng định như đinh đóng cột.

Để chứng minh cho lời nói của mình, hôm sau Mừng dẫn Thành lên phố Trần Nhật Duật. Nghe cậu ta đặt vấn đề xong, chủ cửa hàng xởi lởi: “OK. Với ai với chứ các anh thì em sẵn sàng phục vụ”. “Hẹn các anh đúng một tuần sau đến lấy hàng”.

Qua tìm hiểu, Thành mới biết rằng cái trò phù phép “thay hồn đổi xác” này đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Song đến thời điểm hiện nay thì nó ngày càng thịnh đạt bởi nhu cầu rất lớn từ phía các “thượng đế”. Hầu như tất cả phụ tùng “ngoại” mà thợ luộc lắp cho “con xe” của Thành đều là từ các “lò mổ” trên thành phố tập hợp lại.

Sau khi luộc các phụ tùng thô ra, các “thợ luộc” còn phải chua vào các công đoạn như: sơn, tút lại như mới; sửa lại số khung, số máy; lắp biển giả làm sao cho người chủ cũ của “con xe” này sẽ không thể nhận ra được chiếc xe của mình.

Các phụ tùng này cũng có xuất xứ từ nhiều nguồn. Có đồ do dân thiếu tiền mang xe xịn đến luộc (phần này chiếm đa số). Song cũng có một phần không nhỏ là từ việc “xẻ thịt” những chiếc xe ăn cắp. Ngoài ra, các chủ cửa hàng sửa chữa xe còn có cả một hệ thống chân rết cung cấp phụ tùng ngoại tỉnh như Hải Phòng, Nam Định...

Điều đặc biệt là “công nghệ luộc xe” đã phát triển cực nhanh. Để “phanh thây” một “con xe”, thường các thợ chỉ mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Còn “luộc” vài món đồ thì chỉ dăm chục phút. Với “công nghệ luộc đồ” như trên, chỉ cần cho mượn xe độ nửa giờ thì chiếc xe đã không còn cả hồn lẫn xác.

Có một chuyện khó tin nhưng có thật về cái chuyện “luộc xe” này. Đó là cậu quý tử Đình Hoàng nhà trên phố Thái Phiên vốn được ba mẹ cưng chiều từ bé, lớn lên cậu sớm học được tính chỉ thích chơi bời, đua đòi. Chạy vạy mãi mới được nhận vào học Trường Phổ thông Dân lập Lương Văn Can, Hoàng đòi ba mẹ phải mua cho chiếc Jupiter mới chịu đi học. Cứ mỗi khi thiếu tiền Hoàng lại đem xe đi “luộc”. Đến khi chiếc xe không còn gì để “luộc” nữa Hoàng lại về nhà, mượn xe bố để “đến nhà bạn mượn sách”. Khi ông bố động đến chiếc xe thì nó đã trở thành “phế xe” với phụ tùng bị thay tứ tung. Nọc ông con ra Hoàng khai đã đem đi “luộc” trên phố Huế. Người cha bất hạnh đành mò lên đó để xin luộc lại đồ cũ liền bị bọn thợ “chặt chém” gấp mấy lần lúc “luộc đi”.

Không chỉ một lần mà đã rất nhiều lần, ông bố phải mang tiền, mang xe ra tiệm để luộc lại những món đồ mà “ông con” của mình gây ra. Thợ “luộc xe” nhẵn mặt hai bố con đến nỗi, cứ hôm trước ông con xách xe ra “luộc” là y rằng hôm sau ông bố lại đến nhờ “lắp lại những thứ đã tháo”.








Tags: , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn