Giẫm đạp nhau để "cướp" ấn Trần

17/2/11
Với ý nghĩa, nếu xin được ấn Trần, nghĩa là được vua ban tước, được thăng quan tiến chức. Vì thế, bất kể là phụ nữ, trẻ em, người già hay là thanh niên... họ đều chen lẫn, giẫm đạp lên nhau chỉ với mục đích duy nhất: "Cướp" được ấn Trần.

Ảnh minh họa

Trước giờ khai ấn, không khí khá yên bình


Ấn Trần - Ai được nhận sẽ làm quan?

Lý giải về ý nghĩa của việc xin ấn, bác Trần Anh Tuấn 54 tuổi, quê Nam Định kể rằng: “tôi nghe các cụ kể lại người ta xin ấn là để cầu tài, cầu địa vị của vua. Mỗi năm cả vạn cái ấn được đóng nhưng chỉ có một chiếc ấn ứng vào một người giống như được vua ban tước vậy. Người nào may mắn sẽ được thăng quan tiến chức trong năm đó”.

Không những thế để xin được một chiếc ấn đền Trần là điều không hề đơn giản. Ai cũng phải xếp hàng, chen nhau chờ giờ phát ấn mà chưa chắc đã được. Cái cảnh một người bán, vạn người mua năm nào cũng diễn ra.

Những quan niệm đầy duy tâm làm cho chiếc ấn càng trở nên có uy lực. Có người còn bất chấp xa xôi, nguy hiểm để thỏa mãn ý nghĩ có phần “điên rồ” của mình. Cô Đỗ Thị Nguyệt, quê Thanh Hóa, vừa được các đồng chí an ninh đưa ra ngoài khi bị biển người chen lấn đến ngất xỉu, tỉnh lại, cô thanh minh rằng: “Đấy! Tôi vừa đi Yên Tử xong, còn trèo lên đến tận đỉnh nữa, giờ lại ở đây… Đến lễ hội phải chen, phải vượt khổ thì đức ngài mới chứng”.

Còn rất nhiều những người khác, họ cũng đến đền Trần với một mục đích duy nhất: Xin được ấn để mong thăng quan tiến chức trong năm mới. Số du khách đến để vãn cảnh hay tò mò xem lễ phát ấn chỉ là số ít, bởi nếu chỉ để vãn cảnh, thật khó có ai đủ nhiệt huyết lặn lội từ nơi xa về với đền Trần trong đêm như thế.

Ảnh minh họa

Du khách ngồi "xí chỗ" giữa đêm rét buốt để mong xin được ấn


"Cuộc chiến khốc liệt" giành ấn Trần

Đã nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, lễ hội khai ấn Trần luôn diễn ra trong sự hỗn loạn và mất kiểm soát, cho dù Ban tổ chức đã cố gắng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, ấn Trần vẫn chỉ có bằng ấy chiếc, vẫn ngôi đền ấy, con đường ấy, giờ khắc ấy... trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng mạnh, vì thế, vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết được vấn nạn chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để vào đền xin ấn của du khách thập phương.

Đêm 17/2 đền Trần chính thức vào hội, từ mờ tối người dân khắp nơi đã đổ về khu đền để xin ấn Lộc. Năm nay hội đền Trần có nhiều đổi mới như: tăng cường các điểm bán ấn, dựng thêm hàng rào sắt kiên cố, cho bơm nước vào các hào quanh đền… nhằm duy trì an ninh trật tự cho lễ hội. Tuy nhiên, nó vẫn không thể làm thay đổi được tình cảnh như những năm trước.

Dòng người đổ về đền Trần mỗi năm một đông, số du khách năm nay ước tính lên đến gần 10 vạn người khiến 2.000 nhân viên an ninh có làm việc hết mình thì cũng phải bó tay.

Từ 20h, tình trạng chen lấn, xô đẩy diễn ra “ác liệt” ở khu vực đường dẫn vào đền. Con đường độc đạo dài gần 2 km cho du khách thập phương vào đền đã chật kín người. Người ôm rào, người lội ruộng như thể “bị đày”. Một người dân địa phương cho biết: “Tăng điểm bán ấn trong đền cho du khách mà không mở rộng đền thì cũng vẫn vậy thôi”.

Phải trực tiếp đứng giữa biển người mới cảm thấy lấy được chiếc ấn nó hạnh phúc nhường nào. Người người chen nhau lên đứng đầu, có lúc chân không chạm đất, không khí cũng chẳng đủ thở. Càng sát giờ khai ấn tình trạng này càng nghiêm trọng. Người hô, kẻ đẩy làm những hàng rào sắt kiên cố cũng chẳng chịu nổi. Lần lượt các hàng rào sắt bị dòng người cuốn phăng.

Tính ra trước giờ khai ấn đã có đến hơn 20 người ngất xỉu và con số này vẫn không dừng lại. Khi đã vượt đủ 7 ải là 7 hàng rào trước cửa đền thì du khách còn phải thật khỏe để đu song sắt, thật khéo để chèo mái mới xin được ấn tại 5 điểm phát ấn của nhà đền. Còn không chỉ có mua lại với giá cắt cổ hoặc ra về tay trắng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chen lấn, xô đẩy... bằng mọi giá để vào khu vực phát ấn (ảnh Văn Thanh, Dân trí.com)


Bao giờ cho đến... ngày mai?

"Ngày mai" ở đây là một mùa lễ hội nào đó của đền Trần mà buổi khai ấn, người dân sẽ được thoải mái đi dạo vãn cảnh trong đền, thắp hương khấn vái rồi thong dong, nhẹ bước đến trước cửa đền nhận ấn từ Ban tổ chức. Điều đó giờ đây như trong câu chuyện khoa học viễn tưởng...?!

Trên thực tế, Lễ hội cổ truyền rất khó thay đổi hình thức, bởi nếu thế nó sẽ mất đi ý nghĩa vốn có. Vì thế, mọi lề lối đều phải diễn ra theo đúng tuần tự như cách làm của cha ông đã để lại. Vấn đề con lại là ý thức của người đi lễ hội. Với mục đích duy nhất khi đến đền Trần là xin ấn, thì việc hàng vạn người mong có ấn trong khi chỉ có một số lượng quá ít ỏi ấn được phát ra, thì việc tranh giành nhau xảy ra là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, không phải đã là hết cách để khắc phục tình trạng này.

Những nghịch cảnh diễn ra tại đền Trần đang làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc khai ấn. Không chỉ ban tổ chức mà chính những người dân tham gia lễ hội cần phải có những thay đổi để hội đền Trần sang năm không còn những thảm cảnh này nữa. Chỉ có điều, thay đổi như thế nào, mới là câu hỏi khó trả lời!

Văn Thanh - (bài, ảnh)

Tags: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn